Khi học tiếng Nhật, đã bao giờ bạn nghe nói đến cụm từ “aizuchi” (相槌)? Trong thực tế luôn có một nghịch lý rằng: Dù bạn có vốn từ và ngữ pháp tốt đến bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng nếu không biết cách thể hiện aizuchi thì bạn chưa được coi là một người giỏi giao tiếp tiếng Nhật. Nói một cách đơn giản, aizuchi chính là những từ hoặc cụm từ ngắn như “vậy à”, “thế á”, “thật sao”, “ra vậy”, “vâng”,… xen kẽ trong các cuộc nói chuyện, cho thấy người nghe đang nhập tâm và chú ý với câu chuyện của người nói. Trong hệ thống các ngôn ngữ nói chung trên thế giới, hiếm có ngôn ngữ nào có riêng một thuật ngữ thể hiện điều này như tiếng Nhật. Có thể nói, aizuchi đã trở thành một nét riêng độc đáo trong văn hóa giao tiếp của người Nhật. Nếu bạn đang tìm hiểu về văn hóa Nhật và muốn việc giao tiếp tiếng Nhật của mình trở nên tự nhiên như người bản địa thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Đối với các quốc gia phương Tây, khi giao tiếp, phép lịch sự tối thiểu chính là sự lắng nghe và không xen vào khi đối phương đang nói. Mọi người thường bày tỏ sự quan tâm bằng cách trao đổi qua ánh mắt. Tuy nhiên, ở Nhật Bản điều này hoàn toàn ngược lại, bởi họ quan niệm rằng: im lặng đồng nghĩa với việc bạn không tập trung và không hứng thú với câu chuyện. Ngoài ra, đối với một dân tộc hay có tính xấu hổ và ngại ngùng như người Nhật, việc nhìn vào mắt đối phương liên tục khi nói chuyện cũng không phải là một ý hay. Chính vì vậy, người Nhật chọn cách thêm vào cuộc hội thoại những từ ngữ ngắn gọn để thể hiện cảm xúc của mình trước câu chuyện của đối phương, và những từ ngữ như vậy trong tiếng Nhật được gọi là Aizuchi.
Vậy aizuchi cụ thể là gì? Aizuchi trong tiếng Nhật được viết là 相槌 (あいづち), có nghĩa là đồng tình, hưởng ứng, tán đồng. Định nghĩa về aizuchi, theo Giáo sư Horiguchi Sumiko, Khoa Ngôn ngữ trường Đại học J. F. Oberlin cho rằng: “Aizuchi là những phát ngôn được đưa ra trong khi người nói đang thực hiện quyền phát ngôn của mình, thể hiện những điểm chung từ thông tin mà người nói đưa ra”. Về bản chất, aizuchi là những từ được sử dụng để: 1) phản ứng với những gì người nói đang nói, 2) đảm bảo với họ rằng bạn thực sự đang lắng nghe. Trong hội thoại, nhiều khi người nghe không chờ người nói truyền đạt trọn vẹn đầy đủ thông tin, mà thường phán đoán được trước nội dung tiếp theo, do đó thường chêm xen vào câu nói của đối phương. Theo nghiên cứu của nhà Nhân loại học Laura Miller, trong hội thoại tiếng Nhật có đến 2/3 cuộc trò chuyện sử dụng aizuchi, nhiều hơn gấp 3 lần so với tiếng Anh.
Một ví dụ về aizuchi trong một cuộc hội thoại tiếng Nhật:
A: 来月はさあ (Tháng sau ấy)
B: うん (Ừ?)
A: 2日さあ (Ngày mồng 2 ấy)
B: うん (Ừ?)
A: 日本に行くけど (Tớ sẽ đi Nhật)
B: へえ!マジで!(Hả? Thật á?)
Ở đây, có 3 aizuchi được sử dụng đan xen là うん, へえ và マジで. Nếu nhìn từ quan điểm của một người nước ngoài mới học tiếng Nhật, bạn có thể cảm thấy có gì đó “lạ lạ, sai sai” ngay từ đầu cuộc nói chuyện, khi A mới chỉ nói 来月はさあ (Tháng sau ấy) thì B đã xen vào うん (Ừ?) mặc dù A chưa nói xong một câu hoàn chỉnh. Tuy vậy, điều này là hoàn toàn bình thường trong giao tiếp tiếng Nhật. Nói cách khác, aizuchi không chỉ là đặc điểm ngôn ngữ mà còn là một hiện tượng văn hóa khác biệt ở xứ xở hoa anh đào.
Aizuchi trong tiếng Nhật có rất nhiều loại. Tùy vào tiêu chí phân loại mà có các loại aizuchi khác nhau. Trong đó có 2 cách chia phổ biến:
Dựa vào chức năng, aizuchi được chia thành 5 loại:
(1) Tín hiệu đang nghe: Đây là loại aizuchi xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc hội thoại tiếng Nhật. Những aizuchi thường gặp là え, ええ, はい, うん (ừ/vâng), そうか, そうなんだ (vậy à),…
(2) Tín hiệu hiểu: はい (vâng),わかった (đã hiểu), うん (ừ), うんうん (ừ ừ),…
(3) Tín hiệu đồng tình: そう, そうそう (đúng/ đúng đúng), ほんとうだ (là thật), ねえ (ừ nhỉ), そうね (đúng thế nhỉ),…
(4) Tín hiệu phủ định: いや (không), いやいや, いえいえ (không không),…
(5) Biểu đạt tình thái: えっ, へえ (ồ), あっ (à), ほんとう (thật à), あれ (ơ/ ơ hay), いいなあ (được nhỉ), マジで (thật á), 素敵な (được đấy nhỉ),…
Trong số 5 loại trên thì loại (1) xuất hiện nhiều nhất trong các cuộc hội thoại tiếng Nhật, tiếp sau đó là loại (5), loại (3) và loại (2). Loại (4) Tín hiệu phủ định có tần số xuất hiện thấp nhất.
Dựa vào cấp độ tiếng Nhật, có 3 loại: (1) Sơ cấp, (2) Trung cấp và (3) Cao cấp.
Loại (1) Sơ cấp là những aizuchi ngắn hoặc có cấu trúc đơn giản. Chẳng hạn: はい (vâng), うん (ừ), ええ (ừ/tôi hiểu), そうそう (đúng đúng), すごーい (thật không thể tin nổi), そうなんだ, なるほど (ra là vậy), すばらしい (tuyệt vời), そうね/ そうですね (ừ/đúng thế nhỉ), そっか/ そうですか (thế à), うわー (wow),あら (ái chà), いいなあ (được nhỉ), ああ (à),…
Loại (2) Trung cấp là những câu như nhắc lại nguyên văn lời của đối phương, hoặc diễn đạt lại một phần hay toàn bộ nội dung bằng cách khác. Ví dụ:
A: 先月日本に行ってきたんだ!(Tháng trước tớ mới đi Nhật về)
B: へえ?日本に?(Ồ, đi Nhật á?) – Lặp lại lời đối phương
A: ええ、お花見に行ったよ!すごく綺麗だった。(Ừ, tớ đi ngắm hoa anh đào. Đẹp lắm)
A: へー、花見に行ったんだー。私も日本にいきたいなあー。(Ồ, đã đi ngắm hoa anh đào rồi à. Tớ cũng muốn đi Nhật) – Lặp lại lời đối phương
Loại (3) Cao cấp là những aizuchi lặp lại cảm xúc của đối phương. Ví dụ:
A: 先生、N2、合格しました!(Thầy ơi, em đỗ N2 rồi)
B: 嬉しいですね。(Vui nhỉ!) – Lặp lại cảm xúc vui của đối phương.
頑張ったかい、ありましたね!(Đúng là bõ công em cố gắng nhỉ!)
Sử dụng aizuchi là một trong những cách thức phổ biến và thường xuyên nhất trong tiếng Nhật để thể hiện mối quan tâm của người nghe đối với cuộc hội thoại, tạo không gian cho đối phương dễ nói chuyện, từ đó làm cho cuộc nói chuyện trở nên suôn sẻ hơn. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố lịch sự trong văn hóa Nhật Bản. Trong cuốn sách “Japanese communication, culture, context” (“Giao tiếp, văn hóa và văn cảnh trong tiếng Nhật”, Nhà xuất bản Houghton Mifflin, Boston) của nhóm tác giả Yukiko Abe Hatasa, Kazumi Hatasa, Seiichi Makino, chân dung một người nghe tích cực đã phác họa như sau: Thay vì trao đổi bằng ánh mắt, người Nhật dùng nhiều cách khác để thể hiện rằng mình đang lắng nghe đối phương, trong đó cách tiêu biểu là sử dụng aizuchi. Lấy một ví dụ cụ thể, trường hợp bạn đang gọi điện thoại cho một người nào đó, nếu bạn không sử dụng aizuchi, người bạn gọi có thể nghĩ rằng bạn ngủ thiếp đi hoặc có một số lý do khác khiến bạn không nghe được họ nói.
Aizuchi được sử dụng rất nhiều trong giao tiếp tiếng Nhật, trở thành những câu “cửa miệng” không thể thiếu, len lỏi vào trong từng câu văn, câu nói trong mọi hoàn cảnh, và đã trở thành một nét độc đáo trong văn hóa nói chung của người Nhật. Qua việc tìm hiểu về aizuchi, chúng ta cũng hiểu được một phần nào đó văn hóa Nhật Bản. Người Nhật đặc biệt tôn trọng và đề cao cảm xúc của đối phương, có xu hướng ghi nhận hơn là phủ nhận, bằng chứng là aizuchi mang ý nghĩa đồng tình được sử dụng nhiều hơn hẳn aizuchi phản đối.
Nhận ra aizuchi không khó, nhưng để có thể áp dụng nó vào các tình huống giao tiếp trong đời sống hàng ngày thì không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu nắm được những điểm quan trọng dưới đây bạn có thể tìm thấy động lực và sự tự tin hơn khi giao tiếp với người bản xứ.
Trước hết, bạn cần phải quan tâm thực sự đến câu chuyện của đối phương. Bạn cần phải hiểu và thấu cảm với câu chuyện thì mới có thể sử dụng đúng aizuchi. Đây chính là điều kiện cần và là tiền đề quan trọng nhất để bạn sử dụng aizuchi hiệu quả, là thước đo đầu tiên đánh giá xem bạn có phải là người nghe thực thụ không.
Thứ hai, nên sử dụng kết hợp nhiều aizuchi khác nhau trong một cuộc hội thoại. Nếu trong một cuộc nói chuyện, lúc nào bạn cũng dùng một aizuchi giống nhau, đối phương sẽ nghĩ rằng bạn không nghe họ nói và chỉ đáp lại xã giao, từ đó làm cho người nói bị tụt hứng và câu chuyện dần đi vào ngõ cụt.
Thứ ba, hãy điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ nói và tông giọng của đối phương. Khi dùng aizuchi, bạn cần ý thức đến tốc độ nói và tông giọng của người kia để điều chỉnh sao cho phù hợp nhất, thể hiện điểm chung giữa người nói và người nghe, từ đó dễ dàng tạo không khí thoải mái khi nói chuyện. Đây là điều kiện đủ để việc sử dụng aizuchi được hiệu quả nhất.
Thứ tư, cần phải có biểu cảm phù hợp. Đối với bất cứ một ngôn ngữ nào thì ngôn ngữ cơ thể luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành công của cuộc nói chuyện. Giả sử khi bạn đang nghe một câu chuyện kinh dị ly kỳ, mặc dù miệng nói là “thế á?” nhưng khuôn mặt lại vô cùng thản nhiên và bình tĩnh, lúc đó bạn nghĩ đối phương còn muốn kể chuyện tiếp không?
Nhật Bản là một dân tộc có nhiều nguyên tắc khá nghiêm ngặt và tỉ mỉ về các hành vi giao tiếp, bao gồm cả giao tiếp ngôn từ và giao tiếp phi ngôn từ. Những điều tưởng chừng như không cần thiết nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đối với việc trao đổi thông tin của chúng ta. Một ví dụ điển hình cho điều này chính là aizuchi. Người Nhật rất chú trọng đến sự xuất hiện của aizuchi trong giao tiếp, thậm chí, ở Nhật còn xuất bản một số đầu sách dành cho trẻ em dạy về những aizuchi cơ bản. Văn hóa Nhật Bản còn có rất nhiều điều thú vị và độc đáo. Chỉ riêng cách lắng nghe thôi cũng đã khiến cho Nhật Bản trở nên thật khác biệt so với các nước trên thế giới. Với những bạn đang học tiếng Nhật, đừng quên lưu lại bài viết này để không bỏ lỡ “bí quyết nói tiếng Nhật tự nhiên như người bản xứ” nhé!